Lịch sử Nhà_Tùy

Quật khởi và thống nhất

Năm 577, Bắc Chu diệt Bắc Tề, thống nhất Hoa Bắc, quốc lực sau đó trở nên hưng thịnh, song Bắc Chu Tuyên Đế xa xỉ phô trương, đắm chìm song tửu sắc, chính trị hủ bại,[6] còn đồng thời có năm vị hoàng hậu.[chú 2] Ngoại thích Dương Kiên thừa cơ khiển trọng thần Bắc Chu ra ngoài kinh thành, dần dần kiểm soát triều chính. Ngày 8 tháng 6 năm 580, Bắc Chu Tuyên Đế bệnh mất, Dương Kiên trợ giúp Vũ Văn Xiển còn nhỏ tuổi lên kế vị, tức Bắc Chu Tĩnh Đế, Dương Kiên trở thành đại thừa tướng phụ chính. Tương châu tổng quản Uất Trì Huýnh, Vân châu tổng quản Tư Mã Tiêu Nan và Ích châu tổng quản Vương Khiêm và những người khác bất mãn trước việc Dương Kiên chuyên quyền, do vậy liên hiệp làm phản, song bị các tướng Vi Hiếu KhoanVương NghịCao Quýnh của Dương Kiên bình định. Ngày 4 tháng 3 năm 581, Bắc Chu Tĩnh Đế thiện nhượng đế vị cho Dương Kiên, Dương Kiên đăng cơ làm hoàng đế, tức Tùy Văn Đế, kiến quốc "Tùy", Bắc Chu mất. Tùy Văn Đế có ý muốn diệt Nam triều Trần, do vậy làm theo sách lược của Cao Quýnh: quấy nhiễu sản xuất nông nghiệp của Trần, phá hoại tích trữ quân sự của Trần, khiến Trần tổn thất trầm trọng, sức kiệt không kham nổi. Sau khi giành thắng lợi trước Đột Quyết, năm 587, Tùy Văn Đế phế Tây Lương Hậu Chủ Tiêu Tông, nước Tây Lương mất. Năm sau, Tùy phát động chiến tranh diệt Trần, Tùy Văn Đế mệnh Dương Quảng, Dương TuấnDương Tố là hành quân nguyên soái; Dương Quảng là tổng chủ tướng, Cao Quýnh là tham mưu, Vương Thiềutư mã, phân binh thành tám đạo đánh Trần.

Dương Tố suất thủy quân tiến từ Ba Đông, xuôi Trường Giang về phía đông, liên hiệp với quân của Lưu Nhân Ân tại Kinh châu, chiếm lĩnh Diên châu (nay là cửa Tây Lăng Hiệp của Trường Giang, gần Chi Giang) và các vị trí phòng ngự khác của quân Trần ở thượng du. Do quân Trần ở trung du khi tiến từ Công An về phía đông cứu viện Kiến Khang thì lại bị quân Dương Tuấn chặn ở khu vực Hán Khẩu, quân Tùy do vậy có được thuận lợi ở hạ du. Ở hạ du, quần chủ lực của Tùy thừa dịp triều Trần đang vui nguyên hội (tức Xuân tiết) mà vượt Trường Giang. Hành quân tổng quản Hàn Cầm Hổ, Hạ Nhược Bật hai quân tạo thành thế gọng kìm, cùng quân của Vũ Văn Thuật bao vây Kiến Khang. Ngày 10 tháng 2 năm 589, quân Tùy tiến vào thành Kiến Khang, bắt Trần Hậu Chủ. Không lâu sau, quân Trần ở các địa phương hoặc chịu đầu hàng theo hiệu lệnh của Trần Hậu Chủ, hoặc đề kháng quân Tùy song bị tiêu diệt, duy có Tiển phu nhân ở khu vực Lĩnh Nam bảo cảnh cứ thủ. Tháng 9 năm 590, Tùy phái sứ thần Vi Quang và những người khác đi an phủ Lĩnh Nam, Tiển phu nhân suất chúng nghênh tiếp sứ Tùy, các châu Lĩnh Nam đều trở thành đất Tùy.

Đến lúc này, triều Tùy kết thúc cục diện nam bắc phân liệt trong hơn 280 năm kể từ sau loạn Vĩnh Gia, hoàn thành thống nhất Trung Quốc. Triều Tùy có nhiều nhân tài, dung hòa thế tộc Quan Trung, thế tộc Quan Đông và thế tộc Giang Nam, có Cao Quýnh giỏi mưu lược, có Tô Uy tổng quản chính sự, Vi Hiếu Khoan cùng Hạ Nhược Bật và Hàn Cầm Hổ có tài quân sự; ngoài ra còn có các trọng thần như Lưu Phưởng, Trịnh Dịch, Lý Đức Lâm, Nguyên Hài, Nguyên Trụ, Vũ Văn Hãn, hình thành một tập đoàn có tài lực.[7]

Khai Hoàng chi trị

Tùy Văn Đế Dương Kiên.

Để củng cố chính quyền, về mặt chính trị, Tùy Văn Đế phế trừ lục quan chế của Bắc Chu, chính thức xác lập tam tỉnh lục bộ chế. Triều đình bãi bỏ cấp quận, hình thành chế độ hai cấp châu huyện. Sau khi cải cách chế độ địa phương và bình định Nam triều Trần, Tùy tịch thu vũ khí trong nước, các chính sách này đều nhằm khiến cho thế lực các địa phương suy yếu, củng cố thể chế chính trị trung ương tập quyền quân chủ chuyên chế. Nhằm ức chế thế tộc, Tùy hạ lệnh phế trừ cửu phẩm trung chính chế từ thời Ngụy-Tấn, thiết lập chế độ khoa cử để tuyển chọn nhân tài một cách công bằng. Triều đình cũng cho thiên di thế tộc Quan Đông và thế tộc Giang Nam đến Đại Hưng thành để tăng cường kiểm soát đối với họ.[8] Về mặt kinh tế, triều đình giảm nhẹ hình phạt và lao dịch, thực thi quân điền chế, tô dung điều chế cùng điều tra nhân khẩu để kiểm soát được nguồn thuế.[9] Tùy Văn Đế đề xướng tiết kiệm,[10][11] không cho phép các hoàng tử phung phí tiền bạc.[12] Những điều này hình thành nên một chuẩn mực xã hội, khiến triều Tùy vào tiền kỳ trở nên giàu có khi mà của cải được tích lũy một cách nhanh chóng.[13] Cùng với diện tích đất ruộng tăng lên nhiều, năng suất cây trồng cũng tăng cao, các kho quan trữ lương tại Trường An, Lạc Dương nhiều thì đạt 10 triệu thạch, ít thì cũng có đến vài triệu thạch. Đồng thời, thủ công nghiệp có sự phát triển mới, kỹ thuật đóng thuyền đạt đến trình độ rất cao, có thể đóng chiến hạm cực lớn có năm tầng lầu. Thương nghiệp tại Lạc Dương từng một thời cực thịnh, là nơi cư trú của mấy vạn nhà phú thương, kinh tế hiện ra cục diện phồn vinh.[14]

Năm 584, để cải thiện việc vận chuyển vật tư đến Quan Trung, Tùy Văn Đế mệnh Vũ Văn Khải xây dựng "Quảng Thông cừ", mở đầu cho việc xây dựng một loạt các công trình sông đào, cuối cùng hình thành nên Tùy Đường Đại Vận Hà. Hệ thống sông đào to lớn này khiến cho hoạt động vận chuyển vật tư và mậu dịch nam-bắc phát triển nhanh chóng, giúp củng cố chi tiêu của triều đình bằng vật tư của Giang Nam. Trải qua các cải cách này, chính trị, kinh tế và xã hội vào tiền kỳ triều Tùy đều phát triển phồn vinh, khai sáng Khai Hoàng chi trị, hộ khẩu tăng từ hơn 4 triệu lên đến hơn 8 triệu. Xã hội tích lũy được tương đối nhiều của cải, được thuật là có thể dùng trong 50-60 năm.[15][16] Khai Hoàng thịnh thế, Tùy Văn Đế lại hạ lệnh xây dựng Đại Hưng thành, tức Trường An, Đại Hưng thành là thành thị cổ đại Trung Quốc đạt mức cao siêu trên tiêu chí quy hoạch kiến thiết, là biểu hiện tổng hợp cho thực lực kinh tế và trình độ kỹ thuật triều Tùy, đương thời là một trong những thành thị có quy mô lớn nhất thế giới.[17] Tư tưởng thiết kế và bố cục của Đại Hưng thành có ảnh hưởng sâu rộng đối với quy hoạch đô thị Trung Quốc, cũng như đối với Nhật BảnTân La.

"Khai Hoàng chi trị" và "Tùy triều thịnh thế" đến hậu kỳ Tùy Văn Đế thì dần suy lạc. Trong những năm cuối, Tùy Văn Đế đối với hình pháp thì đề xướng trọng hình hà khắc, cải biến chính sách "vô vi nhi trị" vào tiền kỳ Khai Hoàng.[18] Tùy Văn Đế trong lòng nghi kị công thần cũ, đại sát công thần và tướng lĩnh khai quốc. Tùy Văn Đế lúc này có xu hướng cố chấp, lấy Pháp gia trị quốc, không đoái hoài đến bách tính, quan hệ giữa ông và đại thần ngày càng xa cách, là nguyên nhân dẫn đến cục diện thiên hạ đại loạn vào cuối triều Tùy.[19]

Tùy Văn Đế ban đầu lập con cả Dương Dũng làm thái tử, song vì Dương Dũng có tính xa xỉ khiến cho Tùy Văn Đế không hài lòng, dần dần bị thất sủng. Con thứ là Dương Quảng và đại thần Dương Tố âm mưu cáo buộc "âm sự" của Dương Dũng, dần giành được tín nhiệm của Tùy Văn Đế. Năm 600, Tùy Văn Đế cải lập Dương Quảng làm thái tử, ngày 13 tháng 8 năm 604, Dương Quảng phát động "biến Nhân Thọ cung", Tùy văn Đế đột nhiên qua đời. Đến ngày 21 tháng 8, Dương Quảng kế vị, tức Tùy Dạng Đế, sau đó sát hại Dương Dũng và các huynh đệ khác.

Doanh mãn chi quốc

Tùy Dạng Đế Dương Quảng

Vào sơ kỳ Tùy Dạng Đế, quốc lực vẫn hưng thịnh, Tùy Dạng Đế phát triển đông đô, mở sông đào, xây dựng trì đạo và xây đắp Trường Thành, dẫn tới phát triển kinh tế và mậu dịch giữa khu vực Quan Trung và các địa phương nam bắc; đồng thời tiến hành chinh thảo quy phục đối với các nước xung quanh, mở rộng bản đồ triều Tùy. Tuy nhiên, do bản thân Tùy Dạng Đế nóng vội, đồng thời lại bạo ngược, khiến những việc này trái lại gây nên phá hoại cho xã hội.[20] Do Trường An nằm lệnh về phía tây, khó khăn trong việc tự cung ứng lương thực. Năm 604, Tùy Dạng Đế phái Dương Tố, Vũ Văn Khải xây dựng đông đô Lạc Dương, sang năm thứ hai thì thiên đô đến Lạc Dương để kiểm soát kinh tế Quan Đông và Giang Nam; tại các nơi như Lạc Khẩu và Hồi Lạc, triều đình Tùy cho dựng kho lương lớn nhằm dự trữ sử dụng trong trường hợp mất mùa đói kém. Mỗi tháng triều đình sai khiến 2 triệu dân đinh lao dịch, Tùy Dạng Đế lại chú trọng đến việc xây dựng cung thành hoàn hảo xa hoa, tiêu hao một lượng lớn nhân lực và vật lực. Để khơi thông vận chuyển và phát triển kinh tế giữa trung tâm kinh tế Giang Nam, trung tâm chính trị Quan Trung, các khu vực quân sự như Yên, Triệu, Liêu Đông. Tùy Dạng Đế thúc đẩy việc hình thành Đại Vận Hà. Đại Vận Hà mang lại nhiều lợi ích: kết nối các hệ thống sông quan trọng của Trung Quốc lại với nhau, hình thành mạng lưới vận chuyển; thúc đẩy sự phát triển của các thành thị ven kênh, rất nhiều thành thị thương nghiệp nổi lên, trong đó Giang Đô trở thành trọng tâm kinh tế của triều Tùy; thúc đẩy phát triển văn hóa và dung hợp dân tộc tại các địa phương, có ý kiến nhận định nó khiến cho văn minh Trung Hoa trở thành một nền văn minh hoàn chỉnh có hệ thống.[21] Tuy nhiên, do Tùy Dạng Đế nóng vội trong việc xây dựng Đại Vận Hà, khiến nhân dân phải chịu rất nhiều gánh nặng. Dân phu đào sông phải lao dịch kéo dài mà không được nghỉ ngơi, chịu rét chịu đói, ngoài ra còn bị bệnh tật tấn công, do vậy số người tử vong rất lớn. Năm 605, Tùy Dạng Đế cho đào Thông Tế Cừ, mang theo một lượng lớn người trong hậu cung, chư vương và vệ đội theo sông đào tuần thị phương nam, trong hành trình tiêu pha rất nhiều tiền của, trưng dụng rất nhiều nhân lực và vật tư của nhân dân. Năm 607, khi Tùy Dạng Đế tuần thị phương bắc, cũng trưng dụng sức lực của cải của nhân dân để mở trì đạo qua Thái Hành Sơn đến Tịnh châu, đồng thời yêu cầu Khải Dân khả hãn (đang phụ thuộc Tùy) của Đột Quyết cho dân Đột Quyết hiệp trợ việc mở đường.[22] Ngay từ thời Tùy Văn Đế, triều đình đã cho xây đắp Trường Thành tại các nơi như Sóc Phương, Linh Vũ; năm 608, khi Tùy Dạng Đế xuất tuần Du Lâm, lại huy động hơn một triệu tráng đinh xây dựng đoạn Trường Thành từ Du Lâm đến Tử Hà (nay là Hồn Hà ở ngoài Trường Thành, thuộc Nội Mông-tây bắc Sơn Tây) để bảo hộ Khải Dân khả hãn.[23] Về mặt chế độ chính trị, Tùy Dạng Đế cải cách chế độ quan chế và tô điều, đồng thời bắt đầu thiết lập cấp bậc tiến sĩ, lập ra chế độ điển chương mới.

Do Tùy Dạng Đế hao phí một lượng lớn nhân lực vật tư, lại chinh thảo tứ xứ, khiến quốc lực triều Tùy tiêu hao quá nhiều. Trong đó, nghiêm trọng nhất là chiến tranh với Cao Câu Ly, cuộc chiến này là nguyên nhân khiến cho triều Tùy suy vong.[24] Thời Tùy sơ, Đột Quyết hãn quốc rất lớn mạnh, đương thời thường tiến đánh vào đất Tùy, triều Tùy bị buộc phải xây Trường Thành và cho trọng binh trú thủ. Tháng 5 ÂL năm 582, Đột Quyết suất 40 vạn đại quân, đánh vào Trường Thành. Tháng 4 ÂL năm 583, quân Tùy phân làm 8 lộ bắc phạt Đột Quyết. Tướng Tùy dùng kế ly gián của Trưởng Tôn Thịnh, khiến hai bộ Đông Đột Quyết và Tây Đột Quyết hỗn chiến với nhau. Năm 599, Đột Lợi khả hãn của Đông Đột Quyết chiến bại hàng Tùy, đến năm 611 thì Xử La khả hãn của Tây Đột Quyết cũng hàng Tùy. Năm 605, tướng Tùy Vi Vân Khởi suất binh Đột Quyết đánh bại Khiết Đan, cơ bản giải quyết mối lo từ phương bắc. Ngoài phương bắc ra, ở khu vực Lũng Tây-Thanh HảiThổ Dục Hồn hãn quốc, đương thời thường có xung đột với triều Tùy; năm 596, Tùy Văn Đế phái Quang Hóa công chúa hòa thân với Thổ Dục Hồn để an phủ, năm 608, Tùy Dạng Đế phái quân chiếm lĩnh Thổ Dục Hồn. Năm sau, Tùy Dạng Đế tây tuần Trương Dịch, có đến bốn quận Hà Nguyên (nay ở đông nam Hưng Hải, Thanh Hải), Tây Hải (nay ở Hồ Tây, Thanh Hải), Thiện Thiện (nay ở Nhược Khương, Tân Cương), Thả Mạt (nay ở tây nam Thả Mạt, Tân Cương).[25] Quân chủ và đại thần 27 nước Tây Vực nối tiếp nhau đến triều kiến Tùy đế, thương nhân các nước tập trung tại Trương Dịch để tiến hành giao dịch.[26]

Năm 602, Tùy Văn Đế sai Lưu Phương (劉方) đem quân 27 doanh sang đánh nước Vạn Xuân, Hậu Lý Nam Đế Lý Phật Tử sợ không địch nổi nên đầu hàng.[27] Năm 605, Tùy Dạng Đế nghe nói ở nước Lâm Ấp có nhiều của cải, bèn sai Lưu Phương đem quân đi đánh. Lưu Phương đánh bại được quân Lâm Ấp dưới quyền quốc vương Phạm Phạm Chí (梵笵志), song bị bệnh và qua đời trên đường về.[28] Trận này quân Tùy cũng tổn thất khá nhiều.

Hai nước Bách TếTân La ở nam bộ bán đảo Triều Tiên là nước phiên thuộc của Tùy, họ hy vọng có thể mượn lực lượng của Tùy để chế phục Cao Câu Ly. Đương thời, tại Oa Quốc (tức Nhật Bản), phái cải cách của Thánh Đức thái tử chấp chính, ông phái "khiển Tùy sứ" để học tập văn hóa và chế độ điển chương của triều Tùy. Giữa hai nước do vấn đề xưng hô đế vương nên về mặt ngoại giao phát sinh tranh chấp về lễ nghi.[29] song cũng chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ song phương. Triều Tùy chinh thảo Cao Câu Ly theo tuyên bố là do Cao Câu Ly có ý đồ khuếch trương thế lực; khi Tùy hy vọng kiến lập thể chế triều cống, Cao Câu Ly không nghe theo, hai bên do vậy động binh. Tổng cộng, triều Tùy 4 lần phát binh chinh thảo Cao Câu Ly, khiến cho hàng triệu người thiệt mạng, nhân dân trong nước vì thế mà hết sức bất mãn với Tùy Dạng Đế. Trong thời gian tiến hành lần chinh thảo Cao Câu Ly lần thứ 4, Tùy bùng phát dân biến, tướng Tùy tương kế làm phản, triều Tùy tiến đến chỗ diệt vong.

Loạn lạc và diệt vong

Tùy Dạng Đế nhiều lần phát động chiến tranh, khiến hao người tốn của, cuối cùng dẫn đến nền chính trị gặp nguy cơ nghiêm trọng. Ngay từ năm Đại Nghiệp thứ 6 (610) thời Tùy Dạng Đế, đã bùng phát bốn lần dân biến vì phản kháng việc đi lính theo phủ binh chế, song quân Tùy trấn áp nhanh chóng. Năm Đại Nghiệp thứ 7 (611), khu vực trung hạ du Hoàng Hà (Dự Châu đạo, Ký Châu đạo, Duyện Châu đạo) ở Quan Đông bị lũ lụt, hơn 40 quận bị ngập, Vương Bạc lãnh đạo mọi người ở Trường Bạch Sơn (nay thuộc Chương Khâu, Sơn Đông) phát động dân biến, tẩy chạy cuộc chinh phục Cao Câu Ly của Tùy Dạng Đế, ra lời kêu gọi nổi danh "Vô hướng Liêu Đông lãng tử ca" (khúc ngâm không đến Liêu Đông chết uổng)[chú 3] Đương thời, phạm vi dân biến phần lớn tập trung tại Dự Châu đạo, Ký Châu đạo, Duyện Châu đạo, Thanh Châu đạo, Từ Châu đạo ở Quan Đông, không lâu sau bị quân Tùy trấn áp. Năm 613, Lưu Nguyên Tiến chiếm cứ Ngô quận, tự xưng thiên tử, song bị diệt cùng năm đó. Đến khi con của Dương Tố là Dương Huyền Cảm cử binh làm phản ở Lê Dương (nay ở đông bắc Tuấn huyện, Hà Nam), con em quan lại cấp cao của triều Tùy nối tiếp nhau phản Tùy, các địa phương trong nước cũng nổi dậy theo.[1]

Đương thời quần hùng cát cứ với số lượng đông đảo:

  • Khu vực Hà Nam có Ngõa Cương quân của Trạch NhượngLý Mật. Năm 616, nghe theo kiến nghị của Lý Mật, Trạch Nhượng đánh hạ đồn Kim Đê Quan (nay ở đông bắc Huỳnh Dương, Hà Nam), đánh hạ các huyện của Huỳnh Dương. Năm 617, Ngõa Cương quân lại công phá kho lương thực Hưng Lạc của đông đô Lạc Dương. Do Lý Mật giỏi tác chiến, Trạch Nhượng nhượng vị cho Lý Mật. Lý Mật tự phong Ngụy công, kiến quốc "Ngụy", lấy Lạc Khẩu làm căn cứ địa. Sau đó, Ngõa Cương quân chiếm lĩnh kho Hồi Lạc, uy hiếp trực tiếp thành Lạc Dương. Sau đó, Ngõa Cương quân nội bộ mâu thuẫn, Lý Mật giết Trạch Nhượng, cuối cùng quy phục Việt vương Dương Đồng.
  • Khu vực Hà Bắc có đội quân nổi dậy của Đậu Kiến Đức, đội quân này chuyển chiến các nơi ở Hà Bắc, chiếm cứ đại bộ phận khu vực Ký Châu, năm 618 thì tự phong là Hạ Vương, kiến quốc "Hạ".
  • Ở khu vực Giang Hoài, đội quân nổi dậy mạnh nhất là của Đỗ Phục Uy, Phụ Công Thạch. Hai người bắt đầu tiến hành nổi dậy tại Tề quận (nay thuộc Sơn Đông) vào năm 613, sau đó tiến về phía nam phát triển ở khu vực Giang Hoài. Năm 617, họ chiếm được Cao Bưu, cắt đứt liên hệ giữa Tùy Dạng Đế đang ở Giang Đô và phương bắc. Đỗ Phục Uy tự xưng tổng quản, Phụ Công Thạch làm trưởng sử.
  • Ở Tịnh Châu có Lý Uyên, năm 617, Thái Nguyên lưu thủ Lý Uyên phát động binh biến, không lâu sau đánh chiếm Trường An. Ngày 18 tháng 12 năm 617, Lý Uyên đưa Đại vương Hựu lên ngôi, tức Tùy Cung Đế, diêu tôn Tùy Dạng Đế làm thái thượng hoàng, khiến quân Tùy mất đi vùng đất hậu viện, thủ đô thất thủ khiến tâm trí quân Tùy hoảng loạn, có đến chín phần đầu hàng triều Đường và các tập đoàn khởi nghĩa địa phương khác, gián tiếp đẩy triều Tùy đến bờ diệt vong.
  • Thế lực mạnh nhất ở phương nam là Tiêu Tiển, năm 617, Tiêu Tiển cùng với những người khác như Đổng Cảnh TrânLôi Thế Mãnh cử binh phản Tùy. Năm 618, Tiêu Tiển xưng đế, kiến quốc "Lương", định đô tại Giang Lăng. Thế lực của Tiêu Tiển đông đến Cửu Giang, tây đến Tam Hiệp, nam đến Giao Chỉ, bắc đến Hán Thủy.[1]
  • Năm 616, Lý Tử Thông chiếm cứ Hải Lăng; Lâm Sĩ Hoằng chiếm cứ Kiền Châu.
  • Năm 617, Lưu Vũ Chu chiếm cứ Mã Ấp, tự xưng thái thú; Lương Sư Đô chiếm cứ Sóc Phương, tự xưng Lương Đế; Quách Tử Hòa chiếm cứ Du Lâm, tự xưng Vĩnh Lạc Vương; Lý Quỹ chiếm cứ Vũ Uy, tự xưng Hà Tây Đại Lương Vương; Tiết Cử chiếm cứ Thiên Thủy, tự xưng Tần Đế; Lưu Vũ Chu cùng Lương Sư Đô và Quách Tử Hòa đều dựa vào Đột Quyết.

Trước cục thế này, triều đình Tùy tan rã nhanh chóng. Năm 616, Tùy Dạng Đế mệnh Việt vương Đồng lưu thủ Đông Đô, bản thân suất chúng đến Giang Đô. Tùy Dạng Đế hạ lệnh xây dựng Đan Dương cung chuẩn bị thiên đô đến Đan Dương (nay là Nam Kinh, Giang Tô). Các đại thần, vệ sĩ đi theo Tùy Dạng Đế đại đa số là người khu vực Quan Trung, không muốn sống lâu dài tại Giang Nam, cộng thêm Giang Đô hết lương, người người chạy trốn về Quan Trung. Ngày 11 tháng 4 năm 618, bọn Vũ Văn Hóa Cập, Tư Mã Đức Kham, Bùi Kiền Thông phát động binh biến, sát hại Tùy Dạng Đế, ủng hộ Dương Hạo làm hoàng đế.[30] Vũ Văn hóa Cập sau đó suất chúng tiến về phương bắc, rồi lại sát hại Dương Hạo, tự phong Hứa Đế, kiến quốc Hứa, sang năm 619 thì bị tướng Đường Lý Thần Thông và Hạ vương Đậu Kiến Đức liên hiệp tiêu diệt. Ngày 12 tháng 6 năm 618, tại Trường An, Lý Uyên bức bách Tùy Cung Đế nhượng vị, sang ngày 16 thì Lý Uyên chính thức xưng đế, kiến lập triều Đường, tức Đường Cao Tổ. Tại khu vực Trung Nguyên, sau khi biết tin Tùy Dạng Đế mất, ngày 22 tháng 6 năm 618, tướng trấn thủ Lạc Dương là Vương Thế Sung đưa Việt vương Đồng lên ngôi, tức Tùy Cung Đế (Hoàng Thái Chủ); ngày 23 tháng 5 năm 619, Vương Thế Sung phế Dương Đồng, triều Tùy mất; đến ngày 25 thì Vương Thế Sung tự lập làm hoàng đế, đặt quốc hiệu "Trịnh".[1]